Giá căn hộ đã có tăng lên kể từ đầu năm đến nay và có khả năng sẽ còn tiếp tục tăng.
Theo số liệu báo cáo của công ty CBRE, giá căn hộ tại TP.HCM tăng từ 1,0% – 4,0% so với quý trước và 1,2% – 5,4% so với cùng kỳ năm trước ở tất cả các phân khúc. Tại Hà Nội, giá tăng nhẹ từ 2% – 5% so với năm trước. Giá bán lại các căn hộ thứ cấp cũng tăng nhẹ khoảng 1% so với quý trước.
Theo lý giải của các chuyên gia, bất động sản 9 tháng đầu năm hút được một lượng lớn vốn FDI. Với 27 dự án đầu tư đăng ký mới, tổng vốn đầu tư cấp mới và tăng thêm là 1,2 tỷ USD, chiếm 11%, lĩnh vực BĐS đã đứng vị trí thứ 2 trong thu hút FDI.
Yếu tố thứ hai tác động khiến căn hộ tăng giá là tổng dư nợ của BĐS trên toàn hệ thống ngân hàng đã tăng. Dư nợ từ 9,82% trong tháng 7-2014 đã lên mức 12% trong tháng 9.
Lãi suất cho vay mua nhà liên tục giảm trong thời gian qua cũng là một trong những nguyên nhân thúc đẩy nhu cầu BĐS của người dân tăng cao, điều này giúp vực lại thị trường.
Theo CBRE, lượng hàng tồn kho đã giảm đáng kể. Theo thống kê của Bộ Xây dựng, tính đến cuối tháng 8, tổng giá trị tồn kho BĐS trong cả nước tiếp tục giảm, còn khoảng 82.295 tỷ đồng. Như vậy, so với tháng 12-2013 đã giảm 12.163 tỷ đồng (gần 13%).
Nhiều cơ sở hạ tầng quan trọng đã được hoàn thiện, thúc đẩy giá BĐS tăng cục bộ. Điều đó cũng giúp cho giá căn hộ tăng. Cụ thể như khu vực cầu Nhật Tân ở Hà Nội, dọc tuyến metro số 1 ở TP.HCM, giá nhà, đất, căn hộ đều tăng lên đến 10%.
Tuy nhiên, theo các chuyên gia, việc tăng giá này chưa phải là cho thấy thị trường đã bật lên bền vững, mà trước mắt là cục bộ ở một số điểm, đồng thời có sự góp phần rất lớn của phân khúc nhà giá rẻ, còn lại phân khúc cao cấp vẫn chưa có sự chuyển động rõ ràng.

No comments:
Note: Only a member of this blog may post a comment.